Nhiều
đoạn đường trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng mọc
thêm nhiều quán cà phê võng để hành khách thư giãn sau những giờ đi
đường mệt mỏi. Thế nhưng nó đã khiến người đi đường nhiều phen "dở khóc
dở cười".
Cào bằng giá cả
Giữa
cái nắng chói chang của tiết trời miền Đông Nam Bộ cộng thêm mùi khói,
mùi xăng xe xộc lên mũi ngồn ngộn và cơn buồn ngủ kéo đến, nhiều khách
đi đường liền nghĩ đến giải pháp tấp vào những quán cà phê võng ven
đường dừng chân. Nhìn ra nhu cầu này, hàng trăm kilomet dọc tuyến đường
quốc lộ 1A của tỉnh Đồng Nai liên tiếp quán cà phê võng thi nhau mọc
lên. Các quán này thực chất chỉ là những căn chòi làm bằng gỗ, mái lợp
bạt và phủ thêm những tàu dừa để lấy bóng râm. Bên trong là những chiếc
võng bắc ngang từ cột này sang cột kia để khách đi đường nằm ngả lưng,
kèm theo đó là một vài chiếc bàn làm chỗ để nước giải khát, vài chiếc
ghế dành cho khách ngồi. Nhìn dáng vẻ bề ngoài quán lụp xụp, đơn sơ nên
rất nhiều khách đi đường nghĩ là giá cả cũng phải chăng nên khi bước vào
quán không một chút do dự.
Với
tâm lý đó, chúng tôi cũng nhanh chóng điều khiển xe dừng trước một quán
cà phê võng ở gần ngã ba Dầu Giây, thuộc huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng
Nai) để tìm một cái võng chắc chắn ngả lưng. Cũng như nhiều hành khách
khác chúng tôi cũng kêu hai ly nước mía uống. Sau những phút đong đưa
trên võng, chúng tôi gọi chủ quán đến tính tiền. Chưa kịp hỏi hai ly
nước mía giá bao nhiêu thì chị chủ quán nhanh nhảu: "30 ngàn tiền nước
cộng hai cái khăn lạnh nữa tổng cộng 34 ngàn". Thấy vậy chúng tôi liền
phản ứng: "Chủ quán có tính nhầm không?", người phụ nữ hơn 30 tuổi khẳng
định lại: "Làm gì có chuyện tính nhầm ở đây? Từ hồi nào tới giờ tôi vẫn
bán như thế có ai phản ứng gì đâu?", rồi quay ngoắt về chỗ ngồi lảm
nhảm điều gì đó.
Một quán cafe võng ven quốc lộ.
Một
lát sau, lại có hai khách hàng khác gọi chủ quán thanh toán. Chúng tôi
nghe rõ mồn một "Hai chai C2 giá 40 ngàn". Dù biết mình bị hớ nhưng hai
người đi đường nọ không có một lời phàn nàn nào cả mà chỉ lẳng lặng rời
khỏi quán với vẻ mặt hơi buồn và tự nhắc nhở bản thân "lần sau sẽ không
ghé quán cà phê này nữa". Bức xúc trước lối phục vụ kiểu này, khách đi
đường Nguyễn Huy Hùng (29 tuổi, ngụ huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) không
ngại ngần chia sẻ: "Để về được Lâm Đồng, tôi phải đi qua hơn 100km địa
phận tỉnh Đồng Nai. Mỗi lần đi như thế, tôi phải nghỉ dừng chân 2-3 lần
tại các quán xá ven đường. Nhiều lần tôi cũng như những người đi đường
khác bị chủ quán chặt chém với mức giá gấp đôi thậm chí gấp ba so với
các quán bình thường, nhưng vẫn phải ghé vào nghỉ chân. Bởi, dọc đường
đi toàn các quán xá dạng này nên đành cắn răng cho qua".
Đồng
quan điểm với anh Hùng, chị Lương Thu Thủy (32 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ,
tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Tôi cũng từng là một nạn nhân của việc bị chủ
quán cà phê võng chặt chém. Ở dọc dường quốc lộ vẫn có những quán cà phê
võng bán giá cả phải chăng. Song, mình chẳng phải là người địa phương
nên không thể nhận dạng được đâu là quán làm ăn thật, đâu làm quán làm
ăn láo. Vì, cách bài trí của các quán xá dạng này hao hao như nhau. Để
tránh được các chiêu trò "dụ dỗ" của chủ quán, người đi đường nên hỏi
giá cả trước khi ghé quán dừng chân. Hoặc khi đi xa nên mang theo nước,
khăn lạnh để phòng trường hợp khát thì dừng ở dưới tán của một gốc cây
nào đó nghỉ ngơi rồi tiếp tục lên đường".
Dịch vụ “họ lưu" ăn theo cà phê võng
Không
chỉ đối mặt với dịch vụ chặt chém, người lưu thông qua quốc lộ 1A thuộc
địa phận tỉnh Đồng Nai còn bị hành bởi nghề "ăn theo" diễu cợt với
nhiều chiêu trò "dở khóc dở cười". Nhiều người rút kinh nghiệm được từ
việc này đã gọi tên những quán cà phê võng là "cà phê chết máy", "cà phê
mất đồ". Lý giải về điều này anh Nguyễn Quang Lưu (27 tuổi, ngụ tỉnh
Bình Thuận) bộc bạch: "Ghé vào quán cà phê võng ven đường tôi tin tưởng
vào sự "bảo vệ" xe cộ của chủ quán nên tôi nhắm mắt đánh một giấc ngon
lành. Nhưng khi rời quán để đi tiếp thì phát hiện xe bị chết máy, xẹp
vỏ... Với tình huống đó, tôi chưa biết làm thế nào thì có một thanh niên
từ đâu đi tới hỏi thăm, ra tay nghĩa hiệp đạp máy giùm. Sau bao nhiêu
nỗ lực đề xe máy vẫn không nổ. Thế rồi, anh ta chỉ ngay cho tôi tiệm sửa
xe gần kế bên quán cà phê và tiếp tục làm người tốt dẫn xe giúp đến tận
nơi sửa. Nào ngờ, vừa tới nơi, anh ta mới nói: "Tôi là chủ tiệm sửa xe
này". Đến lúc này tôi mới ngộ ra mình bị ăn quả lừa".
Để
dễ làm ăn hơn, một số đối tượng trộm cắp chuyên hoạt động ở các thành
phố lớn cũng chuyển về mai phục "con mồi" ở gần các quán cà phê võng.
Bên cạnh đó, một số kẻ còn móc nối với chủ quán để chia sẻ phần trăm lợi
nhuận. Vì vậy, chỉ cần người đi đường có một chút lơ là, hay ngủ quên
những đối tượng này nhanh chóng cuỗm đi những tài sản có giá trị. Anh
Dương Văn Mạnh, ngụ xã Bàu Trâm, T.X. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tâm sự:
"Đang mơ màng chìm vào giấc ngủ trên võng ở quán cà phê ở gần trung tâm
huyện Trảng Bom, thì có kẻ lạ mặt dùng tay móc vào túi áo hòng chiếm
đoạt đi chiếc điện thoại trị giá hơn 3 triệu đồng. Giật mình bật dậy,
tôi đẩy tay của hắn ra đồng thời hét toáng lên để mọi người chú ý. Trước
tình thế này, kẻ lạ mặt nhanh chóng chạy ra khỏi quán và leo lên một
chiếc xe có người đợi sẵn ngoài đường rồi phóng đi vun vút".
Phản
ứng gay gắt về kiểu làm ăn chụp giật của những kẻ mượn danh cà phê võng
thu lợi nhuận, chị Nguyễn Thu Vy (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) nói: "Cũng
vì nhìn thấy quán cà phê võng mát mẻ, cây cối xanh mượt lại có đông
khách, tôi hào hứng ghé vào gọi nước uống, leo lên võng nằm đung đưa.
Dẫu vậy, tôi vẫn có sự đề phòng là khóa cổ xe, mang theo túi xách vào
võng. Tôi nhớ, lúc nằm ngủ trên võng đã ôm túi xách và cẩn trọng lấy áo
khoác phủ lên người che chắn cả túi xách. Thế mà, chỉ sau 30 phút chợp
mắt tỉnh dậy, cái túi xách có 2 triệu tiền mặt, chiếc điện thoại di dộng
và một số giấy tờ quan trọng đã không cánh mà bay. Tức giận vì bị mất
đồ, tôi quay sang hỏi chủ quán thì nhận được câu trả lời: "Tôi là người
bán nước không phải là vệ sĩ làm sao tôi biết được đồ của cô ở đâu?", Ai
biểu có đồ mà không biết giữ gìn cẩn thận, mất là đáng".
Quyên Triệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét