Pages - Menu

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Đề xuất bỏ con dấu trong kinh doanh


Đề xuất bỏ con dấu trong kinh doanh

Tâm lý quá coi nặng con dấu đã và đang gây ra nhiều phiền toái không chỉ đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Nhưng liệu đã đến lúc loại bỏ dấu hiệu nhận dạng này hay chưa thì lại có nhiều ý kiến khác nhau.


Làm giả quá nhiều
Tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với dự án USAID hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế, tổ chức mới đây tại Hà Nội, luật gia Cao Bá Khoát - chuyên gia của Tổ rà soát và thực hiện báo cáo này, nêu quan điểm, cần sửa đổi Điều 36 của Luật doanh nghiệp theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải có con dấu.
Theo quan sát của vị luật sư đã đóng góp nhiều công sức xây dựng Luật Doanh nghiệp cách đây hơn một thập kỷ, tâm lý quá coi nặng vấn đề con dấu bởi suy nghĩ con dấu được cơ quan có thẩm quyền cấp, thể hiện tính hợp pháp và quyền lực.
Do đó dẫn đến một nghịch lý là nhiều trường hợp, trong khi chữ ký chỉ là bản sao (photocopy) nhưng khi được đóng dấu đỏ thì lại có giá trị chính thức.
"Con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng DN mà không phải là biểu hiện pháp lý của DN vì nó rất dễ bị làm giả, tính xác thực kém hơn so với các dấu hiệu nhận diện như chữ ký, vân tay" - ông Khoát phân tích.
Rất tâm đắc quan điểm này, ông Phí Đăng Minh, từ Hiệp hội Ngân hàng VN, nguyên là Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, kể câu chuyện khiến ông "ngã ngửa" khi còn đương nhiệm. Có lần nhóm công an kinh tế đến làm việc, đưa ra một số văn bản, công văn chỉ đạo có dấu đỏ và chữ ký của chính ông Minh về việc thừa nhận sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để đảm bảo cho một DN vay vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Minh cho biết, nội dung của văn bản này "hoàn toàn rất nguy hiểm" và "không thể có được", nhưng rõ ràng là giấy trắng mức đen, dấu má đầy đủ. 
condau 
"Con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng DN mà không phải là biểu hiện pháp lý của DN vì nó rất dễ bị làm giả, tính xác thực kém hơn so với các dấu hiệu nhận diện như chữ ký, vân tay" 
"Những công văn đó họ photo làm giả kiểu gì không biết nhưng trong đó đúng là rất giống với khuôn mẫu văn bản của Ngân hàng Nhà nước ban hành. Sau khi kiểm tra phần lưu trữ lại thì không có một văn bản chính thức nào như vậy. Đó là một trường hợp lợi dụng, lừa đảo, làm giả hết sức tinh vi" - ông Minh chia sẻ.
Ngoài vấn đề làm giả, ông Đinh Dũng Sĩ, Vụ phó Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cũng điểm qua thực tế, nhiều vụ án tranh chấp con dấu tại Hà Nội kéo dài đến cả chục năm liên quan đến thói quen giữa khư khư con dấu làm của riêng của giám đốc DN.
"Giám đốc DN thường cho rằng đây là DN của mình, mình là người đại diện thì có quyền giữ con dấu. Nhưng xin thưa suy nghĩ đấy rất sai lầm so với quy định của pháp luật về cơ chế sử dụng, quản lý con dấu - mà một nhân viên văn phòng bình thường của công ty cũng có thể đảm nhiệm.
Chính bởi ý thức như trên nên khi thay đổi hoặc có gì đó không thiện chí với DN thì nhiều vị giám đốc cầm con dấu "biến" luôn".
Thực trạng quản lý và sử dụng con dấu chưa tốt, ông Sĩ giao đề bài cho Tổ rà soát sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 lần này cần nghiên cứu xem xét xem chúng ta có cần con dấu nữa hay không? Con dấu khác với chữ ký ở chỗ nào? Tại sao nhiều nước trên thế giới chỉ cần có chữ ký mà không cần con dấu, trong khi ta vẫn phải có cả hai thứ?
"Có lý giải cho rằng sở dĩ ta vẫn "thịnh" con dấu là do nó được thừa nhận còn chữ ký thì chưa. Nhưn thực tế, con dấu bị làm giả rất nhiều. Vậy tại sao ta không thể đăng ký và quản lý bằng chữ ký để bỏ con dấu đi. Tôi đề nghị nhóm rà soát lưu tâm nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài. Tôi cũng ủng hộ xu hướng không nên có con dấu" - ông Sĩ thẳng thắn.
Bỏ cũng khó
Nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ về chủ trương bỏ con dấu tuy vậy, nếu áp dụng trong bối cảnh hiện nay, không ít đơn vị tỏ ra băn khoăn.
Luật sư Trương Thanh Đức, đại diện pháp chế của Ngân hàng Hàng hải - Maritime Bank, phản ánh, cho đến nay riêng tại hội sở chính của ngân hàng đã có gần 10.000 văn bản phát hành ra. Đó là chưa kể các chi nhánh. Nói riêng nội bộ doanh nghiệp, nếu như không có con dấu mà chỉ ký chung chung thì sẽ là "chết dở" vì không thể biết là văn bản nào, ai cấp.
Nhất là ở điều kiện VN hiện nay, bất chấp quy định của Chính phủ - con dấu chỉ được đóng vào chữ ký của người đại diện pháp luật, của thủ trưởng cơ quan, người được ủy quyền hoặc cùng lắm là người được ủy quyền trong 1 cấp. Nhưng hầu hết DN hiện thời, một nhân viên bình thường, không có chức danh gì cũng có thể đại diện ký hợp đồng mua bán, ủy quyền công chứng khắp cả nước... Các doanh nghiệp khác nhau thì đơn vị, phòng ban đứng ra đóng dấu cũng khác nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng cho rằng, mặc dù tư duy của nhóm tác giả báo cáo là rất đáng hoan nghênh nhưng có lẽ phải một số năm nữa, ý tưởng này mới có thể khả thi.
Bởi lẽ, thói quen lâu nay của chúng ta không chú ý xem chữ ký thực hư thế nào, mà miễn là có dấu đỏ. Trong điều kiện năng lực quản lý giám sát ở ta còn lộn xộn và lỏng lẻo ngay cả với con dấu thì điều điều ta mong muốn thực hiện cũng còn bất lợi và khó khăn.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Văn phòng luật sư Hưng Quang và Cộng sự - cũng đồng ý khía cạnh, đúng là có một số tiêu chí không phù hợp trong việc sử dụng con dấu của DN nhưng căn cứ trên những tiêu chí khác, nhất là sự thống nhất về mặt pháp luật và tính thực thi thì con dấu đã hiện hữu trong tư duy của người Việt, liên quan đến câu chuyện quyền năng đi liền với con dấu.
Vì thế, một đề xuất sửa đổi nào, nhóm đánh giá cũng cần đứng trong mối tương quan thống nhất giữa các tiêu chí bị vi phạm và không vi phạm.
Hơn nữa, khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2000, chúng ta đã đưa ra vấn đề chữ ký của người đại diện khi đăng ký kinh doanh. Lẽ thường, chữ ký trên giấy đăng ký kinh doanh cũng được sử dụng khi ký trên các hợp đồng. Song sau đó không thấy có giải thích nào của các quy định pháp luật mang tính thi hành, dẫn tới chữ ký trên giấy đăng ký kinh doanh không được thực hiện đúng nghĩa.
Theo của ông Phí Đăng Minh, trước khi giải quyết được vấn đề nêu trên và trong lúc học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta cần phải nâng cao khâu đăng ký kinh doanh và quản lý những DN được đăng ký kinh doanh. Các thông tin đăng ký, chứng minh DN loại gì, vốn pháp định bao nhiêu, hoạt động như thế nào, chữ ký của đại diện DN cũng phải đầy đủ, thống nhất. Có được các cơ sở này rồi, lúc đó cơ quan quản lý mới kiểm tra, xử lý được.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ một suy ngẫm: "Nhiều khi thiết kế chính sách rất hay nhưng cái khung quá lộn xộn, thì rồi kết hợp giữa hai cái này sẽ là sự vô hiệu hoá".

Không có nhận xét nào: