Pages - Menu

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Quản trị cuộc đời - Cách sống để đạt được mọi điều bạn muốn

Quản trị cuộc đời - Cách sống để đạt được mọi điều bạn muốn

Phải nói khi đọc bài viết này YooRich đã rất phấn khích.
Tôi là một người duy vật, duy vật hoàn toàn. Trong tâm trí tôi luôn có một câu hỏi: Vũ trụ có giới hạn không? và nếu có thì cái gì bao quanh vũ trụ? còn nếu không thì vũ trụ là cái gì? và tôi là gì?
một nguyên tử trong một đại dương mênh mông không bờ bến chăng? cứ thế cứ thế rồi tôi luôn đi đến một câu hỏi cuối cùng: Tôi là gì? tôi sống để làm gì? cuộc đời tôi rồi sẽ đi về đâu?

Thời gian gần đây tôi rất ngại viết – không biết do việc post bài lên YooRich hơi nhiều công đoạn hay do không có gì để viết nữa, nhưng hôm nay tôi thấy rất thích thú với chủ để này. Đo đó mời các bạn cùng tôi tìm hiểu về khái niệm và các phương pháp quản trị cuộc đời.

Xin lưu ý rằng, những nội dung và khái niệm dưới đây không phải do tôi sáng tạo ra mà do tôi sưu tầm được, vì thế nếu bạn nào đã đọc được ở đâu rồi xin chớ chê cười mà hãy cố gắng đọc lại lần nữa. Tôi cam đoan sẽ rất có ích cho cuộc đời bạn!!
Chúng ta bắt đầu:


Có 1 anh bạn trẻ rất muốn trở thành 1 người thành công.

Do đó, anh làm việc rất cần mẫn và chăm chỉ ngày này qua ngày nọ. Nhưng thời gian trôi qua, mà anh vẫn chưa đạt được những gì anh mong muốn.
Quá thất vọng, anh liền tìm gặp người sếp của mình và hỏi:
- Tại sao tôi đã làm việc gắng sức như vậy, chăm chỉ như vậy mà vẫn chưa thành công? Xin ngài hãy cho tôi biết, tôi còn thiếu điều gì?

Người sếp già nhìn anh giây lát rồi mỉm cười, chậm rãi trả lời:
- Con trai, ta làm sao biết con còn thiếu những gì. Tại sao con không hỏi chính mình rằng con đang có những gì?

Bạn thân mến, trong mỗi chúng ta là những nguồn tài nguyên vô tận. Nếu biết khai thác, bạn có thể trở thành thiên tài. Nhưng trước khi khai thác nó, bạn cần phải biết làm chủ bản thân, tức là phải biết: mình là ai? Mình có điềm mạnh, điểm yếu nào? Đó chính là chìa khóa để bạn phát huy sức mạnh tiềm ẩn bản thân.

Do đó, bạn hãy khắc sâu trong tâm trí quan niệm này: Không làm chủ được bản thân, ta sẽ không làm gì được cả.

Hãy cùng chúng tôi trở thành những nhà quản trị tài ba cho chính cuộc đời mình qua chương trình huấn luyện:
"Kỹ năng làm chủ bản thân - Quản trị cuộc đời trên YooRich"

Không muốn làm người sáng tạo lại bánh xe đạp, YooRich mạn phép bê y nguyên và có đánh dấu những nội dung quan trọng trong buổi chia sẻ của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, với SVVN khi đề cập tới khái niệm quản trị cuộc đời.

Khái niệm quản trị cuộc đời nên được hiểu như thế nào, thưa ông?


Quản trị cuộc đời là cách thức chúng ta lãnh đạo, quản lý chính mình như thế nào để có được cuộc đời như mong muốn.
Đó là những điều đặc biệt cần thiết cho cuộc đời nhưng lại chưa hoặc rất ít được dạy ở trường, nhất là ở bậc phổ thông trước khi bước vào đại học.
Người ta thường nói: 12 năm học phổ thông là để làm người, còn 4 năm học đại học là để làm việc.
Nhưng từ "làm người" nói riết đi nên nó trở nên sáo rỗng và mất đi cái thiêng liêng.

Peter Drucker, người được coi là “cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại, có nói:
“Một đất nước muốn phát triển, đất nước đó cần phải được quản trị tốt; một doanh nghiệp muốn lớn mạnh, doanh nghiệp đó cần phải được quản trị tốt; một gia đình muốn hạnh phúc, gia đình đó phải được quản trị tốt; và cũng như vậy, một cuộc đời muốn thành công, thành đạt, cuộc đời đó cũng cần phải được quản trị tốt. “

Nếu bạn không biết mình sẽ đi đến đâu thì sẽ chẳng bao giờ tới đích!


Làm thế nào để một người trẻ có thể định hình được chiến lược của cuộc đời mình, thưa ông?



3 điều giúp người ta xác định được chiến lược cuộc đời để dám mơ ước điều gì đó:
  1. Thứ nhất là ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở đâu;
  2. Thứ hai là căn của tôi là gì
  3. Thứ ba là cốt của tôi đến cỡ nào.
Không có 3 điều này thì mơ cũng chỉ là tào lao!

Cái căn chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé nhưng nếu thiếu nó sẽ rất khó để người ta thành công.
Kế đó là cái cốt đến đâu.
Có người nói em có căn kinh doanh, nhưng cốt của em đến đâu?
Cốt đại bàng hay cốt gà. Cốt gà thì chỉ kinh doanh tạp hóa được thôi, có cốt đại bàng mới mong là chủ tập đoàn đa quốc gia. (Bạn nào không hiểu tại sao Anh Giản Tư Trung nói tới cốt đại bàng và cốt gà thì có thể tìm trên YooRich có video có nói về gà đại bàng)
Đầu tiên các bạn phải làm rõ đích đến của mình là chỗ nào. Sau đó nhận biết mình là ai và mình đang ở đâu? Cái khó nhất là biết mình là ai.

Và khi đó, để biết mình là ai thì người ta nên làm gì, thưa ông?



Tôi lấy ví dụ, nếu bạn làm cho một công ty, khả năng của bạn làm được 5 triệu đồng nhưng họ chỉ trả bạn 2,5 triệu đồng, vậy bạn sẽ làm việc như thế nào? Nếu các bạn làm 2,5 triệu đồng (tức là dưới sức mình) thì các bạn hiển nhiên mất đi 2,5 triệu đồng và mất luôn cả danh dự, phẩm giá của mình. Còn nếu làm 5 triệu đồng thì các bạn có thể bảo vệ danh dự của mình nhưng mất đi cơ hội để biết mình là ai. Lời khuyên của tôi là các bạn hãy làm ra 10 triệu đồng!
Mahatmah Gandhi có nói: “Cách tốt nhất để biết mình là ai là quên mình đi trong khi làm việc”.
Nghĩa là, làm việc quên mình sẽ có cơ hội để khám phá chính mình, biết mình là ai. Đi làm không phải chỉ để kiếm tiền mà là để kiếm tìm những thứ khác, để không phải là tạo ra tiền mà là rất nhiều tiền. Đó là cách nghĩ của người khôn ngoan

Theo ông, những người trẻ không nên lãng phí điều gì nhất?



Tài sản lớn nhất mà các bạn trẻ đang có chính là tuổi trẻ và thời gian để thực hiện những điều mình muốn.
Khi mà con người ta không còn hữu ích thì đó là khi con người ta đã chết. Người ta luôn phải tâm niệm sống có ích kể cả khi đã qua đời!

Các bạn có thể biến 4 -5 năm đại học của mình thành có ý nghĩa hoặc không là gì cả.
Thước đo trưởng thành của con người không phải là tuổi tác mà chính là những gì các bạn đã trải qua trong cuộc đời này.

Trên con đường kiếm tìm công danh, các bạn trẻ nên tuyệt đối tránh điều gì, thưa ông?


Có ba chiến lược nên tránh:
  1. Thứ nhất là "Nghĩ gì làm nấy", đây là điều nguy hiểm nhất trong xã hội. Cái gì em chơi được là em chơi thôi chứ chẳng cần biết nó có thích hợp và mang tính tích lũy hay không.
  2. Thứ hai là "cố đấm ăn xôi", nghĩa là biết đi đường đó là sai, ngừng sớm là bớt thiệt hại nhưng vẫn cố đi vì không biết đi đường nào khác và ngại gian khổ. Cũng giống như nhiều bạn sinh viên, biết ngành mình học không hợp nhưng trót học 1 - 2 năm rồi nên vẫn cố tiếp tục, để rồi ra trường cũng chẳng thể làm được điều gì lớn lao
  3. Thứ ba là "tham dì mất má", nghĩa là trong cuộc đời làm nhiều thứ, mình làm tốt cái này nhưng thích cả những cái khác nữa, bỏ chuyển sang để rồi cũng chẳng đến đâu. Phải xác định con đường của mình, kiên trì với nó. Đừng có hái hoa bắt bướm nhiều quá thì sẽ chẳng bao giờ đến được đỉnh cao của mình. Nhưng nếu tham dì mà không mất má thì lại là một điều tốt.


Giữa cái công và cái danh, điều gì có ý nghĩa và đáng để con người ta theo đuổi hơn, thưa ông?


Muốn có danh thì phải có công. Có công sẽ có danh.
Những người nổi tiếng hàng đầu thế giới là những người làm được nhiều việc nhất cho người khác. Những người chỉ chú tâm đi tìm tiền bạc, danh vọng sẽ chẳng bao giờ thấy.
Hoài bão là muốn làm điều gì đó cho mình (vì mình), còn sứ mệnh là mang lại điều gì đó cho ai (sống để làm gì). Mỗi người chỉ có một cuộc đời, do đó phải biết rõ mình muốn dùng cuộc đời vào việc gì và việc đó có đáng hay không.
Đừng cố gắng trở thành một người thành công mà hãy cố gắng trở thành người có giá trị.
Tất cả những gì mà mình nhận được từ cuộc đời luôn luôn là sau những gì mà mình đã làm cho cuộc đời. Nếu các bạn muốn có được tình yêu thương từ những người khác thì các bạn chỉ có thể có được khi làm việc đó với họ.

Nhiều sinh viên hiện nay cho rằng, sống lý tưởng là dại dột. Ông nghĩ sao về điều này?


Người khôn ngoan là người thực dụng hay lý tưởng?
Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Nếu chỉ thực dụng hoặc lý tưởng thôi thì đều sẽ chết.

Theo tôi, người khôn ngoan là người vô cùng lý tưởng và cực kỳ thực dụng!
Lý tưởng thực tế khác với lý tưởng sáo rỗng và thực dụng khôn ngoan thì khác với thực dụng ngu ngốc. Chỉ có ích kỷ mới làm nên điều lớn lao.
Nhưng có hề gì khi bản chất của con người là ích kỷ và nhiệm vụ của giáo dục là biến cái ích kỷ ngu ngốc thành cái ích kỷ khôn ngoan. Ích kỷ là động lực phát triển của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia… nhưng quan trọng là ích kỷ kiểu gì để phát huy mặt tốt.


Với nhiều bạn trẻ, tấm bằng đại học giống như tấm hộ chiếu để vào đời.

Không có nó, hẳn một người sẽ gặp rất nhiều khó khăn... Ông nghĩ sao về điều này?


Việt Nam luôn tự hào là tuy nghèo nhưng học giỏi nhưng tại sao học giỏi mà vẫn nghèo?
Vậy cái giỏi đó là giỏi gì, thi hay học. Giỏi giải quyết những vấn đề của xã hội, cá nhân, đất nước hay thế giới. Hãy học đừng vì bằng cấp, mà hãy học vì đẳng cấp của chính mình!
Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời này. Nếu bạn không hài lòng với bất cứ điều gì (gia đình, đất nước, thế giới…) thì chính bạn phải là người thay đổi chứ không phải là người khác.
Học các trường danh tiếng để làm gì? Nếu chỉ để lấy kiến thức thì tôi ở nhà, lên Internet cũng được. Học trường tốt là học cách suy nghĩ của họ. Sinh viên ở MIT, Harvard… ra trường luôn với suy nghĩ trong đầu là có thể làm gì thay đổi thế giới, còn sinh viên mình, cố gắng ra trường kiếm việc làm và… chấm hết!

Ông có thể chia sẻ về bí quyết tự học của mình?



Với tôi khái niệm về người thầy khá rộng. Có 5 người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người:

Thứ nhất là sách (vĩ đại, rẻ nhất và dễ có nhất).
Một cuốn sách hay có thể làm thay đổi một cuộc đời, một xã hội mà giá có khi chỉ bằng một tô phở. Chỉ cần khoảng 50.000VNĐ bạn đã có thể mang về đầu giường mình một người thầy có thể dạy mình từ nửa đêm tới khi gà gáy.

Thứ hai là người thầy bằng xương bằng thịt.
Bất cứ ai giúp bạn khai sáng, hiểu được những điều mà trước đây bạn chưa biết thì đều là thầy tốt của bạn, họ có thể là cha mẹ, bạn bè, hoặc là một người xa lạ.
Thứ ba là những trải nghiệm.
Đôi khi chúng ta phải trả giá để có được những kinh nghiệm sống.

Thứ tư là những nhân vật lớn, có uy tín trong xã hội.
Các bạn có thể học từ họ qua sách, báo, TV, Internet… Nhưng bạn phải xác định ai đáng tin, ai đáng học. Đừng học hoài để rồi ngẫm ra lại học toàn những điều vô nghĩa!

Cuối cùng là Internet.
Sự vĩ đại của nó thật khó diễn tả mà trong đó "bác" Google là có sức mạnh lớn nhất. Nhưng vấn đề là các bạn lên mạng để làm gì. Tôi lấy làm lạ là nhiều người lên mạng chỉ để "chat". Quan trọng là biết khai thác Internet phục vụ công việc và cuộc sống của mình.


Và điều cuối cùng ông muốn chia sẻ với các bạn trẻ là...?


Trong mỗi đời người nên tự trả lời những câu hỏi ngắn: Sống vì mình/vì người, sống thực dụng/ích kỷ, nên vì cái chung hay cái riêng, nên chơi hay làm việc, sống vì công hay vì danh?...

Xin cảm ơn ông!
Theo SVVN
Đánh giá của YooRich:

Bài viết này rất phù hợp cho những ai đang kinh doanh nhưng chưa thành công, đã một vài lần gây dựng sự nghiệp nhưng lại sụp đổ, có thể bây giờ bạn đang cảm thấy chán nản và luôn tự hỏi tôi là ai, mục đích của tôi là gì? tôi phải làm gì tiếp theo đây.
Bài viết như một liều giảm đau cũng như một liều thuốc kích thích sự hưng phấn, nhiệt huyết xưa kia của bạn mà nó đang bị chìm đi theo những lần khởi nghiệp chưa thành công.
Tôi hi vọng bạn sẽ đọc đi đọc lại bài này vài ba lần, cố gắng nhìn nhận lại bản thân và rút ra được danh sách những việc cần làm cho mình ngay hôm nay, ngay lúc này và tháng này.
Thân ái!
Người sáng lập YooRich!

Không có nhận xét nào: