Bài 1:Thành công được tìm thấy từ thất bại
Trên chiến trường, chẳng có một vị tướng nào luôn thắng trận. Thế
nhưng những nhà quân sự giỏi lại thường biết tìm ra từ trong thất bại
những thời cơ mới giành thắng lợi. Trên thương trường cũng chẳng thiếu
gì những kẻ huyênh hoang đắc thắng bị người thất bại đánh thua. Chủ tập
đoàn Sanyo, Nhật Bản, người được giới doanh nhân Nhật Bản gọi là “thánh
kinh doanh”, từng nói rằng: “Người có võ nghệ cao cường, động tác rút
mũi thương về thường nhanh hơn lúc phóng ra. Trong kinh doanh cũng vậy,
doanh nhân giỏi là người biết rút lui mà không mất thời cơ”.
Thất bại- khó có thể tránh được
Thương
trường luôn khắc nghiệt, nhà doanh nghiệp cho dù có năng lực và tài
năng kinh doanh đến đâu vẫn có thể có lần thất bại. Do vậy, các nhà
doanh nghiệp cần phải căn cứ vào tình thế lợi hay hại có thể xảy ra và
có sự chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch để thấy tiến khi thời cơ đến, thấy
lùi khi cần thiết để tránh cạnh tranh không hiệu quả mà tốn công vô
ích.
Trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp đứng trước một sai lầm
hay nguy cơ nào đó cần có tinh thần khảng khái, nhìn thấy những mặt có
lợi của thất bại, cố sức biến bị động thành chủ động để vươn tới những
thành công mới. Trên thương trường, không phải thất bại nào cũng dẫn
tới được thành công, nhưng từ những sai lầm vẫn có thể chuyện bại thành
thắng.
Với doanh nghiệp mà nói, việc nghiên cứu thành công một
sản phẩm mới, sự đổi mới công nghệ thường đi kèm theo vô số những thất
bại. Điều quan trọng là nhà doanh nghiệp cần rút ra bài học từ trong
những thất bại đó để đi đến thành công. Chỉ trong 2 tháng của năm 1994,
một giám đốc chi nhánh Ngân hàng
Fuji
của Nhật Bản tại NewYork, Mỹ, do hoạt động đầu cơ ngoại hối không thuận
lợi thua lỗ ngày một lớn đến con số khổng lồ 11,5 tỷ yên. Nhưng thua lỗ
về tiền bạc của vị chủ ngân hàng này không lớn bằng việc ông ta không
tự nhận biết được thất bại của mình. Nếu như sau vài lần thua lỗ, ông
ta biết nhận ra và chuyển sang hướng kinh doanh khác thì có lẽ đã không
thất bại đến như vậy mà có khi còn thu được lợi nhuận khác.
Ông
Diệp Chấn Trung, Giám đốc công ty ngoại thương Thâm Quyến, Trung Quốc
cố ý làm trái quy định chung để doanh nghiệp sa chân vào thị trường đầu
cơ. Do bản thân không am hiểu về lĩnh vực này nên ngay trong thương vụ
đầu tiên đã mất trắng hơn 3 triệu USD. Theo lẽ thường, Diệp Chấn Trung
nên suy nghĩ lại và rút lút ngay để chuyển hướng kinh doanh, đằng này
đứng trước thất bại ông Diệp lại tỏ ra ương ngạnh, làm ra vẻ không chịu
thua và tiếp tục tập trung hết vốn liếng để đầu cơ nhằm thu lại số lỗ.
Kết quả, thua lỗ của Công ty đã lên đến trên 30 triệu USD.
“Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”
Những
nhà doanh nghiệp tinh khôn khi thất bại thường tỉnh ngộ ra và tự thấy
mình sai ở đâu để từ đó đi đến những thắng lợi mới. Chủ tịch Hội đồng
quản trị một công ty Mỹ lúc đầu lập nghiệp đã lần lượt nghiên cứu chế
tạo ra những sản phẩm dùng cho xe hơi. Về chất lượng mà nói, sản phẩm
của ông lúc ấy không ai có thể phê bình vào đâu được nhưng sản phẩm vẫn
không có người mua. Đứng trước thất bại này, vị chủ tịch đã tự phân
tích, suy nghĩ lại và cuối cùng tìm ra nguyên nhân: Một là sản phẩm đã
có người phát minh và, hai là, giá cả không hấp dẫn lắm. Sau đó, từ chỗ
giao nhau giữa thị trường và kỹ thuật, ông đã phát minh ra sản phẩm mới
là máy ảnh chụp ảnh lấy ngay sau một phút nổi tiếng trên toàn thế giới
khiến công ty của ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và đi đến thành
công.
Trong quá trình quản lý doanh nghiệp cũng như nghiên cứu
sản phẩm mới, có nhiều trường hợp từ thất bại đã dẫn đến thành công. Và
sản phẩm máy quạt gió không có tiếng ồn là một ví dụ như vậy. Công ty
điện cơ Fukoma của Nhật chuyên sản xuất máy quạt gió nóng và máy nén
khí loại nhỏ. Do nhu cầu bảo vệ môi trường ngày càng bức xúc lại thêm
dư luận lúc đó phản đối vấn đề độc hại, thế là ngay trong nhà máy của
hãng cũng có những đòi hỏi về thiết bị có lợi cho môi trường, giảm
tiếng ồn, trong đó có quạt gió không tiếng ồn. Fukoma đã nghiên cứu và
thử nghiệm nhiều lần, nhưng đều đi đến thất bại. Trong một lần thử
nghiệm, một công nhân do vô ý nên đã thao tác sai, lắp ngược hoàn toàn
cánh quạt của máy quạt gió, thế nhưng sự việc lại đưa đến một thay đổi
không ai ngờ tới. Máy quạt gió lắp ngược cánh quạt, tiếng ồn lại giảm
đi rõ rệt. Một thành viên trong Hội đồng quản trị vốn trải qua thời
gian dài làm kỹ thuật tham gia cuộc thử nghiệm thấy vậy bèn cho thử
nghiệm tiếp, kết quả là máy quạt gió không tiếng ồn đã ngẫu nhiên, hay
nói cách khác - do sai lầm - mà ra đời. Sau đó, các đơn đặt hàng đã
liên tục đến với công ty, sản phẩm này bỗng trở thành mặt hàng chủ lực
của công ty, thị phần ngày càng được mở rộng, mở đường cho công ty
Fukoma trở thành “đại gia” ngành cơ khí của Nhật Bản.
Có thể
nói, thất bại là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng từ trong
thất bại nhìn ra những nhân tố thành công mới để tăng được lòng tin,
động viên được khí thế và lấy đó làm điểm tựa đi đến thành công mới là
điều mà mỗi nhà doanh nghiệp nên hướng tới để chuyển bại thành thắng
Bài 2:Đứng lên từ thất bại ư? Thực tế không giống như lý thuyết
Gần đây, thất bại trong kinh doanh thường được đề cao là con đường
để dẫn tới thành công; một số thậm chí còn đặt cho khái niệm này cái
tên “sự thất bại quý phái”. Gurus đã dùng thơ để diễn đạt khái niệm này
như “Tận hưởng sự thất bại” và “Sự dũng cảm đương đầu với thất bại.”
Một tạp chí trên mạng có tên “Thất bại” ca ngợi những trường hợp thất
bại trong thời đại hiện nay và quá khứ. Để tôi cho các bạn biết một tin
mới: thất bại thực sự là vô cùng khó chịu.
Bất kỳ ai đã từng
trải qua thất bại trong kinh doanh đều có thể nói cho bạn biết rằng kết
cục của nó chẳng đẹp chút nào. Bạn ngập trong nợ nần (thường là số tiền
bạn mượn của bạn bè và người thân), lòng tự trọng của bạn đột nhiên
xuống giá, tương lai của bạn cực kỳ ảm đạm và tất cả mọi người xung
quanh bạn đều nhìn bạn như thể bạn là “Người Voi” vậy - phần nào thương
hại, phần nào sợ hãi. Các câu hỏi khiến bạn đau đầu: Liệu mình có thể
một lần nữa ngồi lên mình ngựa hay không? Các chủ ngân hàng còn coi
mình là đáng tin cậy nữa hay không? Những người tài năng có sẵn lòng
đặt tương lai của họ vào tay mình nữa hay không?
Trên thực tế,
tình trạng thiếu chắc chắn và mất lòng từ trọng này thường khiến người
ta không đánh giá cao bất cứ khoảng sáng nào phía sau những đám mây
hiện tại. Thất bại đã không tặng được bài học tốt nào cho Joe Allan,
nhà kinh doanh sửa chữa máy cắt và chăm sóc cỏ ở công ty French Lick,
Ind. Tức giận và đau xót sau khi toà nhà cao ốc của mình bị chiếm hữu,
ông đã tới trường bắn, bắt chết một người trước khi tự sát.
“Thất bại rất tệ hại”
Nicholas
Hall, người đã phản ứng tương đối tích cực trước 3 cú thất bại trong
cuộc đời kinh doanh, nói: “Ngay khi bạn nhận thấy giấc mơ của mình đã
chết, thì bạn bắt đầu cảm nhận được sự tệ hại của thất bại.” Hall đã
đặt cược các trải nghiệm này vào một trang web mang tên “thất bại”, nơi
ông muốn để những người yêu thích kinh doanh và từng thất bại có thể
thương xót, học hỏi và gượng đứng lên.
Nhưng hãy đoán xem điều
gì xảy ra? Hầu hết những câu chuyện kể trên trang web này đều là những
câu chuyện thành công hoàn toàn – hay ít nhất là những câu chuyện về cú
thất bại-gượng dậy rất nhanh chóng. Một số câu chuyện đau buồn và về
kinh nghiệm học được sau thất bại được đăng lên ẩn danh. Trong một cuộc
phỏng vấn, ngay cả ông Hall dường như cũng có phần nào miễn cưỡng khi
nhìn lại những chi tiết buồn bã trong quá khứ. Ông khẳng định rằng thất
bại kinh doanh để lại những đống đổ nát đáng kể trong tâm hồn. Ông kể
về những trải nghiệm của mình: “Tôi làm việc nhiều giờ mỗi ngày và tăng
cân. Đó là lý do vì sao nhiều nhà kinh doanh ngại không muốn thử bắt
đầu lần nữa. Trông họ kiệt quệ, họ không ngủ được, tăng cân và gây lộn
với gia đình.”
Quãng đời kinh doanh đã dạy ông không bao giờ
đầu tư quá nhiều bản thân mình vào một cái gì dễ vỡ như doanh nghiệp
mới nữa. Vì vậy ông đã xây dựng một cuộc sống riêng đa dạng hơn bao gồm
gia đình, chơi golf và tham gia các buổi biểu diễn tại nhà hát địa
phương. Ông cho biết: “Điều đó giúp tôi không bị quá say mê công việc
và có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng mới.”
Ông còn xây dựng một tập
hợp những người bạn ủng hộ mình và các nhà cố vấn. Ông nói: “Nếu bạn
không có những người mà bạn có thể nhờ cậy tới thì sẽ rất khó khăn. Trở
ngại lớn nhất là bản thân bạn, là khả năng tin tưởng vào chính bản thân
mình một lần nữa.”
Thất bại không làm con người dũng cảm hơn
Dave
McClure hiện đang vật lộn với giai đoạn khó khăn. Nhà doanh nghiệp ở
Thung lũng Silicon này đã thành lập một công ty dịch vụ mạng và cơ sở
dữ liệu và công ty này đặt ông vào tình trạng nợ nần do lợi nhuận thấp.
Ông đã tìm cách bán công ty đi trước khi nó hoàn toàn phá sản, nhưng
trải nghiệm này với ông không vui vẻ chút nào. Ông kể lại: “Câu chuyện
về thất bại này được in trên trang nhất đã bán hết sạch. Mọi người ở
Thung lũng không tìm kiếm những người đã từng thất bại nhiều lần.”
Ông
McClure, một chuyên viên giỏi không có kinh nghiệm kinh doanh nào trước
đây, đã thành lập Aslan Computing năm 1995 và đạt tới doanh thu $1,8
triệu trong hai năm. Nhưng thật không may, công ty cũng bị lỗ $50.000
trong năm thứ hai và chao đảo bên bờ phá sản khi các ngân hàng không
cho vay vốn nữa. Nợ tín dụng của ông lên tới $120.000 và bạn bè khuyên
ông nên được bảo lãnh, nhưng ông đã mắc chân vào đó, cố gắng xoay sở đủ
tiền doanh thu để trả nợ. Ông nói: “Tôi biết rất nhiều người bắt đầu
với một khoản nợ tín dụng và chẳng đạt được điều gì cả. Thất bại với họ
chẳng có gì là dễ chịu cả.”
Như vậy, theo truyền thông của nhà
doanh nghiệp Hoa Kỳ đầy bản lĩnh, ông McClure sẽ nhẩy lên lưng con ngựa
kinh doanh và sẵn sàng phi tiếp. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Ông nói lúc này ông cần nghỉ xả hơi. Vì vậy ông sẵn lòng cung cấp dịch
vụ tư vấn – và cả kinh nghiệm trong quá khứ - cho những người bắt đầu
khởi nghiệp kinh doanh khác, với hy vọng ông có thể ngăn họ khỏi bị
những “cú ngã điếng người”. Ông cho biết một ngày nào đó ông sẽ lại
tham gia vào cuộc chơi, nhưng cũng thú nhận rằng “hơi sợ.” Ông nói:
“Tôi thích một chân quản lý cao cấp tại một công ty mới thành lập. Do
đã từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp mới thành lập húc đầu vào tường
trong những năm qua nên tôi trở nên cẩn thận hơn.”
Ảo mộng
Ông
Hall cho rằng thất bại đối với thế hệ các doanh nghiệp Internet ngày
nay nặng nề hơn vì hy vọng của họ thiếu thực tế do được nuôi dưỡng bởi
câu chuyện thành công trong thị trường chứng khoán của các công ty mới
khởi nghiệp. Theo ông, nếu bạn không cố gắng biến ý tưởng của mình
thành một công ty đáng giá hàng triệu đô la thì những người sành sỏi ở
Thung lũng Silicon sẽ nhìn bạn bằng nửa con mắt. Nhưng nhiều người đã
phải trả giá để được bài học là không có nhiều ý tưởng đáng giá hàng
triệu đô trôi nổi khắp nơi. “Họ sẽ bị thất vọng. Ảo mộng và thực tế quá
khác xa nhau.”
Công chúng, vốn đã chán ngán với sự kiêu ngạo
về khả năng làm thay đổi thế giới cũng như các quảng cáo liên miên về
cái gọi là viễn cảnh Internet, dường như thích thú trước sự thất bại
của các doanh nghiệp Silicon. Vì vậy, khi một số chuyên gia thiếu thực
tế mời bạn nếm thử một ly thất bại, coi đó là điều kiện để gặt hái
thành công, thì hãy từ chối một cách lịch sự.
Bài 3:Đằng sau những thất bại trong kinh doanh
Một thống kê gần đây cho thấy có khoảng 62% các công ty mới khởi sự
không thể kéo dài hoạt động của mình sau 8 năm. Tại sao có một số công
ty thành công, trong khi một số khác lại thất bại? Mặc dù “mỗi nhà mỗi
cảnh” và luôn tồn tại những “vận rủi” khác nhau, nhưng luôn có một số
nguyên nhân chung nhất phía sau thất bại của 62% các công ty cũng như
phía sau thành công của 38% các công ty còn lại.
Jeff Bezos, chủ tịch kiêm sáng lập viên Amazon từng có bài viết về 5
bài học đơn giản đúc kết từ kinh nghiệm của chính mình trên mục
E-tailer nổi tiếng của Amazon.com, trong đó bài học thứ ba là: “Làm
việc hiệu quả và khắc phục nhanh chóng những sai lầm cho dù nhỏ nhất”.
Hơn ai hết, Jeff Bezos hiểu rõ điều ẩn chứa sau những câu chữ này: Ông
đã nâng Amazon.com lên thành nhãn hiệu Internet hàng đầu, mặc dù họ đã
có những năm làm ăn thua lỗ. Còn ở bên kia đại dương, Steve Case của
American online cũng “biết thế nào” là tốc độ và cuộc chạy đua với thời
gian. Và vị cử nhân môn khoa học chính trị này đã biến AOL thành hãng
Internet đầu tiên có mặt trong danh sách Fortune 500. Vị CEO ấy thường
ví việc quản lý AOL trong sự tăng trưởng mạnh của nó chẳng khác nào
những nỗ lực điều khiển động cơ trên một chiếc máy bay, mà nếu không
cẩn thận có thể rơi ngã bất cứ lúc nào.
Nếu ứng dụng bài học của Jeff Bezos vào sự so sánh của Steve Case,
bạn có thể thấy rằng bất cứ thất bại nào dù nhỏ nhất cũng đều có những
nguyên nhân sâu xa của nó.
Lỗi lầm có thể là một hành động bất cẩn, một sai sót do sự thiếu tập trung hay thậm chí một thái độ coi thường công việc.
Lập kế hoạch không phù hợp
Không ai ngạc nhiên vì đây là một trong những nguyên nhân khá phổ
biến, bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn kinh doanh hay hoạt động lưu
chuyển tiền mặt yếu kém. Sẽ rất quan trọng nếu bạn vạch ra một kế hoạch
kinh doanh càng toàn diện và chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Việc này có thể mất nhiều thời gian và khi một kế hoạch được chuẩn bị
xong thì có thể cần thêm thời gian nhiều tuần hoặc nhiều tháng để hoàn
thành. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó không bị bỏ phí, mà chính là thời
gian để có được những thành công chắc chắn hơn. Ngược lại, nếu bạn
không có kế hoạch mà vẫn tiến lên phía trước theo kiểu “nhắm mắt làm
bừa”, thì có nhiều khả năng bạn sẽ phải kết thúc kế hoạch đó bằng cơn
đau tim và hàng chục nghìn USD tan thành mây khói.
Thiếu thực thi
Khi hành động không bám sát kế hoạch đề ra, sai lầm rất dễ xảy ra.
Và ngay cả khi kế hoạch đề ra không được thực hiện một cách đầy đủ, sai
lầm cũng là chuyện thường thấy. Khi một CEO từ chức hay một CFO thoái
vị, mọi người hiểu rằng nguyên nhân bởi vì họ không thực hiện được
những kết quả như mong đợi, hay theo ngôn từ của giới phân tích là “ban
quản lý không hoàn thành kế hoạch đề ra”. Họ bị sa thải khi mắc những
sai lầm rõ như ban ngày.
Có lẽ, những sai lầm ít nhiều đều do … trời sinh ra thế(!). Các nhân
viên trong công ty có thể phải nắm giữ một trách nhiệm mà không được
đào tạo chuyên môn hay hướng dẫn phương pháp thích hợp cho nghiệp vụ
này. Điều này cũng giống như khi bạn tình nguyện giúp ai làm một việc
gì mà hình dung được công việc đó đòi hỏi những gì ở bạn. Không chỉ có
vậy, nhân viên cấp dưới đôi khi còn cố tình gây ấn tượng với cấp trên,
để rồi chuốc lấy thất bại bởi họ không biết rằng kết quả mới là nhân tố
quyết định. Tệ hơn, họ không tuân theo trình tự công việc, và thế là họ
gây ra sai sót ngay từ khi vừa bắt tay vào thực hiện.
Thiếu năng lực và kinh nghiệm quản trị
Nhiều hoạt động kinh doanh được bắt đầu từ một người có rất ít kinh
nghiệm về quản trị hoặc chưa qua đào tạo về quản trị, bởi vì tiền thân
của hầu hết các nhà kinh doanh là những người tự lập. Một số người nghĩ
rằng lĩnh vực quản trị chỉ là ý thức chung (common sense). Nhưng nếu
các nhà quản trị không biết đưa ra những quyết định kinh doanh thích
hợp, thì họ sẽ không thể đạt được thành công trong tương lai.
Rủi ro kinh doanh, thâm thủng tài chính
Quản lý tài chính là công việc nhận định các rủi ro và chế ngự rủi
ro đó. Những sai sót sẽ xảy ra khi những rủi ro trên không được phòng
ngừa đầy đủ. Thông thường, sai sót bắt nguồn từ một điểm yếu kém nào đó
trong kinh doanh và khi không ai chú ý đến hoặc không ai nói ra, nó sẽ
nhanh chóng biến thành một vụ bê bối tài chính, chẳng hạn như một vị
CFO không kịp báo trước cho các nhà đầu tư lúc tình hình xấu diễn ra,
để rồi hậu quả là CEO của ông ta không thể đạt được mục tiêu của mình.
Ông chủ khá, nhân viên tồi
Một người chủ nhiệt tình, hiểu biết các vấn đề kinh doanh thường vẫn
có thể bị hạ bệ hay bị vô hiệu hoá bởi những nhân viên không có kinh
nghiệm và không có mục đích lành mạnh. Bởi vậy, công ty cần có những
nhân viên tốt, được trả lương xứng đáng và phần nào chia sẻ được những
ý tưởng kinh doanh của ông chủ.
Nhưng một khi đã thất bại rồi thì phải làm gì sau đó?
Xem xét nguyên nhân từ chính bản thân
Việc tìm ra nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân bạn là vô cùng
quan trọng, bởi nó sẽ cho bạn biết mình cần sửa đổi những gì. Năm điều
dưới đây có thể là những nguyên nhân dẫn đến thất bại:
1. Làm việc cẩu thả: Trong mỗi thất bại, điều tồi tệ nhất có thể xảy
ra là sự phá hoại có chủ đích. Giả sử không có việc này thì thủ phạm
chính gây ra sai lầm là tính cẩu thả. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự
thiếu khả năng của nhân viên, cũng như ảnh hưởng của nó tới toàn thể
công ty.
2. Hành động gấp gáp: Thiếu thời gian cũng có thể là một nguyên
nhân. Hãy đánh giá tiến trình công viêc và chủ động về mặt thời gian
của bạn tốt hơn. Không nên nhận những nhiệm vụ mà bạn không đủ thời
gian để hoàn thành.
3. Phán quyết tồi: Càng có nhiều kinh nghiệm, bạn càng có khả năng
ra quyết định tốt hơn. Ai cũng có thể mắc sai lầm do những phán đoán
kém cỏi, vấn đề là có những người mắc sai lầm nhiều hơn những người
khác, cũng vì thế mà có người làm lãnh đạo và có người làm nhân viên.
4. Hiểu sai công việc: Có khi một ban quản lý đầy kinh nghiệm mang
đến một bảng hướng dẫn tuyệt vời dành cho …một việc khác. Điều quan
trọng là phải biết tập trung vào công việc hiện nay của bạn chứ không
phải đưa giải pháp cho những thách thức còn chưa tới.
5. Thiếu thông tin: Quyết định chính là “sản phẩm” sinh ra từ những
thông tin đã có. Nếu sai lầm xuất phát từ việc thiếu thông tin thì đó
cũng không phải là “ngày tận thế” đối với nhà quản lý, mà chỉ là dấu
hiệu cho thấy việc cần thiết phải cập nhập thông tin.
Hãy dũng cảm
Bên cạnh việc xem xét các nguyên nhân khách quan và chủ quan, bản
thân bạn cần có những nhân tố cần thiết để không tiếp tục “sa lầy”.
1. Biết lắng nghe: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các sai lầm là chúng
ta luôn ở tư thế phòng thủ và cần phải bảo vệ quan điểm của mình, thay
vì tập trung phân tích và lắng nghe vấn đề khó khăn.
2. Chấp nhận thực tế: Bạn cần phải nhận ra rằng, bạn càng sớm giải
quyết những sai lầm, bạn càng đỡ day dứt với “tội lỗi” của mình và trở
nên có kinh nghiệm hơn với tư cách là một nhà quản lý.
3. Làm một người có trách nhiệm: Không gì ấn tượng hơn việc ta nhận
ra một người có trách nhiệm dù trong hoàn cảnh nào. Bởi vậy nếu bạn
biết rằng mình không thể che giấu sai lầm đó thì hãy hít một hơi dài và
thừa nhận điều đó.
4. Hãy trung thực với chính mình: Thẩm vấn lại bản thân xem tại sao
lại gây ra lỗi lầm. Liệu có thể tin rằng bạn hoàn toàn đúng không, hay
đơn giản là bạn quá bảo thủ? Thế thì thật tồi tệ, vì không có điều gì
trở nên tốt đẹp khi bạn quá ư bảo thủ. Bạn cần loại bỏ thói quen này
càng sớm càng tốt.
5. Luôn giữ tinh thần lạc quan: Người khác thường vẫn hay nhớ sai
lầm của bạn, cho dù sai lầm đó có nhỏ nhặt đến đâu đi nữa. Bạn chỉ cần
nhớ rằng, điểm khác biệt giữa người thắng và kẻ bại chính là cách phản
ứng và lối hành xử sau mỗi sai lầm. Vì thế khi tựa đầu lên gối, hãy
hướng suy nghĩ vào tổn thất của chính mình, nhưng hãy êm đềm đi vào
giấc ngủ với tâm niệm rằng bạn có thể vượt qua mọi khó khăn.
Và dũng cảm hơn nữa
Lúc này là thời điểm bạn cần hành động đề giải thoát mình khỏi sai
lầm. Không có nghĩa bạn là kẻ ngu ngốc chỉ vì bạn trót phạm phải một
sai lầm. Ai cũng có thể sai lầm, thậm chí ngay cả những vận động viên
xuất sắc nhất hay những doanh nhân nhạy bén nhất. Chủ yếu là bạn phải
nhớ rằng bay càng cao càng nguy hiểm, nhưng không bay thì cũng chẳng có
lối thoát nào. Bạn cần làm sao để nhận được sự đồng thuận từ phía các
nhân viên trong kế hoạch hành động nhằm khắc phục sai lầm. Hãy trình
bày với mọi người khi bạn muốn sửa chữa sai lầm. Nhớ rằng đôi khi bạn
phải nhờ ai đó dọn dẹp hộ cái mớ hỗn độn- hậu quả của sai lầm do bạn
gây ra. Vì vậy, nếu bạn có cơ hội tự sửa chữa những sai lầm và giữ gìn
thể diện, hãy bảo đảm rằng bạn sẽ không phạm phải một sai lầm tương tự.
Tóm lại, tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm trong kinh doanh.
Thật đấy, tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. Cũng như trong một trận bóng
chày, một số cầu thủ cố chạm đến điểm đầu tiên trong 4 điểm phải được
chạm bóng để giữ lượt của mình, còn những người khác làm rào chắn. Dù
chơi ở vị trí nào thì bạn cũng có khả năng mắc sai lầm. Nếu vai trò của
bạn là làm hàng rào, rất có thể quả bóng của bạn sẽ bị văng ra làm vỡ
kính một chiếc xe hơi đậu bên ngoài. Trong mọi trường hợp, hãy nhận
trách nhiệm, bồi thường thiệt hại và mỉm cười tạm biệt lỗi lầm.
Bài 4:Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Một doanh nhân người Mỹ trước khi nộp đơn phá sản cho công ty mình
đã nói:“Chấp nhận thất bại thì dễ thôi, nhưng hiểu chính xác tại sao
mình thất bại mới là khó”. Lời tâm sự của chủ doanh nghiệp lúc công ty
buộc phải đóng cửa này xem ra không phải không có lý. Rất nhiều công ty
đã phải hứng chịu thất bại chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt để rồi sau
đó phải hối hận thốt lên câu:“Giá như…”
Bất cứ ông chủ nào, bất cứ công ty nào cũng nỗ lực hết mình để có
được thành công và tránh xa những thất bại, nhưng rất hiếm khi bạn nghe
nói đến những công ty chỉ thành công mà không thất bại, và những công
ty thành công thường là những công ty biết tìm ra nguyên nhân thất bại
để rồi từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.
Đứng trước những thất bại trong kinh doanh, không ít người chỉ biết
vin vào 2 cái cớ là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái và do công
ty mình thiếu nguồn vốn. Thực tế đôi khi không hẳn là như vậy, mà phía
sau mỗi thất bại kinh doanh đều ẩn chứa một nguyên nhân chủ quan nào
đó. Có nhiều trường hợp những sai lầm đáng tiếc xảy ra đã dẫn đến những
hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp. Dù bạn có
tin hay không, thì điều đó cũng là những kinh nghiệm đáng để học hỏi.
Biết đâu chừng một lúc nào đó bạn sẽ gặp phải trường hợp tương tự, bạn
sẽ không quá bỡ ngỡ hay giẫm lên “vết xe đổ” của những người đi trước.
Dưới đây là một vài câu chuyện có thật kể về 3 sai lầm cơ bản mà các doanh nhân thường mắc phải.
Câu chuyện thứ nhất: Chỉ chú ý đến sản phẩm kinh doanh mà không hiểu cảm nhận của khách hàng
Tại một cửa hàng kinh doanh của Isuzu, hãng sản xuất xe hơi nổi
tiếng ở Nhật Bản, có một khách hàng trong trang phục chỉnh tề bước vào.
Hadoka Mutso, chủ cửa hàng, đoán chắc rằng thế nào khách cũng mua xe.
Hai bên tay chào hỏi nhau rất lịch sự. Hadoka thì không ngừng giới
thiệu về cửa hàng, về xe hơi,... khách thì gật gù tỏ ý tán thưởng. Lát
sau, họ trở về văn phòng làm thủ tục. Cửa hàng cách văn phòng chỉ độ 2
phút đi bộ, nhưng không ngờ, ông khách đã thay đổi, sắc thái có vẻ khó
chịu rồi bỏ đi, quyết định không mua xe nữa và cũng chẳng nói gì.
Ông chủ cửa hàng Hadoka Mutso lúc này không hiểu ra sao cả. Tối hôm
đó, ông không ngủ được, gọi điện thoại cho ông khách hôm nay và hỏi:
“Thưa ngài, tôi xin lỗi. Tôi thấy ban đầu ngài có vẻ muốn mua xe, sau
đó lại bỏ ra về với vẻ bực tức. Vậy ngài có thể cho biết lý do để tôi
cải tiến cung cách phục vụ”.
Ông khách nói: “Tôi thật khó chịu, tôi muốn mua xe, tiền cũng đã đem
theo, song trên đường về văn phòng, tôi nói lý do tôi mua xe, ông lại
…lặng thinh không nói gì. Con trai tôi vừa thi đỗ vào Đại học Havard,
cả nhà phấn khởi, tặng xe cho nó. Tôi nói ba lần con tôi ... con tôi
... con tôi ..., thì ông lại cứ xe tôi ... xe tôi ... xe tôi”. Nói xong
ông khách gác máy không nói thêm gì nữa. Ông chủ Hadoka lúc này mới
giật mình, té ra mình sai rồi, mình không quan tâm tới tâm trạng, niềm
vui, nỗi buồn của khách. Họ đang mừng vì con thi đỗ, nếu như mình cũng
chia sẻ niềm vui đó với họ, có lẽ xe ôtô đã bán được rồi ... Thôi đành
phải chờ khách khác để sửa sai vậy.
Câu chuyện thứ hai: Tên gọi không phù hợp
Công ty Tiyi, Đài Loan, đã sáng chế ra một sản phẩm mới “bàn chải
lưỡng dụng”. Một mặt là bàn chải, mặt kia là xà phòng, lại được nối
trực tiếp vào nguồn nước, rất tiện lợi và sạch sẽ.
Nhưng đặt tên cho sản phẩm là gì bây giờ? Mọi người trong công ty
nghĩ mãi và cuối cùng nghĩ ra một cái tên hơi lãng mạn là: “Bàn chải
uyên ương” vì “lưỡng dụng” được ví với “uyên ương” thì thật ăn ý. Quyết
định thông qua một cách nhanh chóng và Tiyi bắt đầu được đóng gói và
xuất ra thị trường.
Không ngờ, kết quả hoàn toàn ngược lại, lượng tiêu thụ sản phẩm mới
quá ít ỏi làm cho các tác giả của sự ví von kia hết sức ngạc nhiên.
Cuối cùng sau những lô hàng lỗ vốn, công ty mới hiểu ra nguyên nhân
thất bại nằm ở … cái tên đặt cho nó. “Bàn chải uyên ương” đã khiến
người tiêu dùng hiểu ra là “lưỡng dụng” để họ tắm chải, cọ lưng, trong
khi thực chất “lưỡng dụng” do công ty sáng chế là dùng cho ... nhà vệ
sinh cơ.
Thì ra cái tên mỹ miều quá lại phản tác dụng khi họ “vẽ gà thành
cáo”, nhưng cũng nhờ lần vấp ngã này mà công ty Tiyi đã có bài học quý
giá: “Tên gọi là sinh mạng thứ hai của sản phẩm”.
Câu chuyện thứ ba: Sai một ly đi một dặm
Keesler, một công ty chuyên kinh doanh đồ gia dụng ở Mỹ, sáng chế ra
loại khăn “Không thấm nước”. Sản phẩm này là dành để phục vụ trẻ em, có
tác dụng làm các bé dễ chịu, đồng thời tiết kiệm được thời gian cho bố
mẹ trẻ. Công ty cho rằng sản phẩm này chắc chắn sẽ đem về siêu lợi
nhuận. Tuy nhiên trên thực tế, sản phẩm lại tiêu thụ rất khó khăn.
Vậy nguyên nhân ở đâu? Quá trình tìm hiểu làm người ta vỡ lẽ ra rằng
chương trình quảng cáo, tiếp thị đã được tiến hành không đúng chỗ và
chọn không đúng đối tượng. Công ty cho quảng cáo là: “Rất tiện cho các
bậc cha mẹ”. Thế là có rất nhiều người hiểu sai là thuận tiện cho việc
chăm sóc con cái một cách… lén lút, hay xóa sạch không để lại dấu tích
gì. Chỉ sau khi đổi lại quảng cáo là “Để bé thơ càng dễ chịu” thì doanh
số bán ra mới tăng lên và vượt kế hoạch.
Đúng là “Sai một ly đi một dặm”, may mà sự việc được công ty Keesler điều chỉnh kịp thời.
Có thể nói, kinh doanh không thể không tránh được những lúc làm ăn
thua lỗ hay thất bại trên thương trường. Điều quan trọng là các công ty
biết tìm ra sai lầm từ những thất bại đã mắc phải để sau đó vươn lên và
thành công hơn trong các chiến lược kinh doanh tiếp theo.
Bài 5: Masayoshi Son: thất bại luôn thúc đẩy hướng tới thành công
Chắc hẳn nhiều người đã biết Warren Bufet, Bill Gates với tư cách là
những người trở thành tỷ phú nhanh nhất và đáng khâm phục nhất thế
giới. Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi ai là người giữ kỷ lục về thua lỗ kinh
doanh lớn nhất thế giới trong lịch sử hay chưa? Câu trả lời đó là: nhà
tỷ phú người Nhật Bản, Masayoshi Son.
Chỉ mới cách đây vài
năm, vào thời kỳ mà cơn sốt dot-com lên tới đỉnh điểm, nhà kinh doanh
người Nhật này có tài sản tới 76 tỷ USD, theo sát Bill Gates. Vậy mà
nay tài sản của Masayoshi Son chỉ còn lại vỏn vẹn 1 tỷ USD, mất đi tới
75 tỷ USD, và sự thăng trầm này liên quan chặt chẽ đến cái gọi là “nền
kinh tế mới”.
Người đưa Internet siêu tốc đến các gia đình Nhật bản
Bị
loại khỏi danh sách những người giàu nhất thế giới, nhưng Masayoshi Son
lại nói rằng đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông. Chỉ
trong vòng vài năm, Masayoshi Son đã có công lớn là góp phần chuyển
biến nước Nhật từ một cái ao tù trong thị trường Internet thành một
mạng lưới tốc độ cao tiên tiến và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhờ
dịch vụ Yahoo BB, dịch vụ kết nối Internet siêu tốc băng thông rộng của
Masayoshi Son, nước Nhật đang trên đà qua mặt Mỹ về tỷ lệ số hộ gia
đình có kết nối Internet tốc độ cao (tỷ lệ này ở Nhật là 4,8%, còn ở Mỹ
là 5,6%).
Cho đến tận khi dịch vụ Yahoo BB của Masayoshi Son
được triển khai, Nhật vẫn còn là nước có giá cước Internet và điện
thoại cao nhất thế giới. Nay thì mức này đã giảm xuống mức thấp nhất
thế giới. Với khoảng 2 triệu thuê bao hàng tháng trả phí 33 USD (thấp
hơn nhiều so với mức phổ biến ở Mỹ là 55 USD) và số lượng thuê bao mới
hàng tháng là 250.000 thuê bao, dịch vụ Yahoo BB của Masayoshi Son hiện
đang chiếm 32% thị phần ngành kinh doanh kết nối Internet băng thông
rộng. Masayoshi Son là đối thủ ngày càng khiến hãng NTT, tập đoàn một
thời gần như độc quyền trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông
Nhật Bản lo sợ. Đáng kinh ngạc hơn, Masayoshi Son tuyên bố hoạt động
kinh doanh của mình đang hoà vốn trong khi phần lớn các đối thủ kinh
doanh trong lĩnh vực kinh doanh này thua lỗ, kể cả các đại gia như AOL
hay Earthlink.
Bước tiến vào lĩnh vực kinh doanh Inetrnet băng
thông rộng của Masayoshi Son đã khiến ban giám đốc tập đoàn Softbank
ngạc nhiên. Họ cho rằng đây là một quyết định điên khùng và tốn kém, là
một canh bạc nguy hiểm đối với một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ chưa được
chứng minh tính hiệu quả trong khi các công ty viễn thông đang chìm
trong thua lỗ. Nhưng Masayoshi Son quyết tâm thực hiện quyết định của
mình. Đương nhiên, Masayoshi Son không cần sự thống nhất toàn bộ ban
giám đốc, vì cá nhân Masayoshi Son sở hữu tới 60% cổ phần của tập đoàn.
Việc thực hiện quyết định này khiến Masayoshi Son phải chi ra
1,3 tỷ USD tiền mặt để thuê một đường cáp dẫn của NTT và nhiều thứ khác
để lắp đặt một đường thuê bao kỹ thuật số siêu tốc tại nhiều trạm trung
chuyển của NTT. Trong khi các công ty dịch vụ kết nối băng thông rộng
khác chỉ cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, Masayoshi Son còn cung
cấp nhiều dịch vụ phong phú và đa dạng như điện thoại Internet, hàng
trăm kênh truyền hình kỹ thuật số và video theo yêu cầu qua kết nối
Internet tốc độ cao, chưa kể nhiều dịch vụ hấp dẫn khác sẽ được tung ra
trong thời gian tới.
Trong hai năm qua, Softbank đã đầu tư cho
việc phát triển mạng lưới kết nối siêu tốc của mình bằng việc bán đi
nhiều cổ phiếu Yahoo, E-trade và các cổ phiếu hấp dẫn khác. Hiện giờ,
Masayoshi Son đã bán đi 49% cổ phần do Softbank sở hữu của ngân hàng
Aozora bank, một ngân hàng có sức cạnh tranh không cao.
Nhưng
những kết quả ban đầu vẫn đầy ắp khó khăn. Mặc dù NTT theo yêu cầu của
chính phủ đã mở các bảng chuyển mạch cho Softbank nghiên cứu, song lại
không cung cấp các đường dây để Softbank kết nối vào mạng của mình. Các
dịch vụ đưa ra thị trường chậm thời hạn đã làm nản lòng nhiều thuê bao.
Đến tháng 4 năm 2001, thị phần cua Softbank trên thị trường Internet
băng thông rộng giảm từ 15% xuống còn 12% và thua lỗ tới 2 triệu USD
mỗi ngày.
Masayshi Son đã xắn tay áo vào cuộc. Ông miệt mài
cùng một nhóm kỹ sư làm việc 17 giờ mỗi ngày và không nghỉ ngày lễ hay
ngày cuối tuần suốt một năm rưỡi dài dằng dặc để đưa hoạt động kinh
doanh vào nền nếp. Đến giữa năm 2002, nhờ lời truyền khẩu tốt đẹp và
các hoạt động marketing mạnh mẽ, bao gồm cả việc phát miễn phí modem
trên đường phố như phát tờ rơi, Softbank đã vượt qua cả 3 đối thủ chính
để vươn lên vị trí hàng đầu. Cuối cùng thì chính dịch vụ giá thành hạ
của công ty đã thu hút được khách hàng. Những người dùng dịch vụ Yahoo
BB có nhiều lợi thế giảm chi phí như miễn phí cuộc gọi đến, giảm giá
điện thoại nội hạt,… Từ tháng 11 năm 2002 đến nay, Yahoo BB đã có thêm
một lượng thuê bao khổng lồ. Để xây dựng mạng viễn thông của mình,
Masayoshi Son còn mời Takashi Tsuisui, một kỹ sư mạng 42 tuổi tài năng
về phụ giúp mình. Masayoshi Son và Tsutsui tuyên bố: công ty của họ đã
góp phần xây dựng mạng truyền thông tiên tiến nhất thế giới.
Nhờ
sự tập trung dân số đông trên một diện tích chật hẹp, các mạng thuê bao
kỹ thuật số ở Nhật có tác dụng rất hiệu quả, hơn hẳn Mỹ, nơi khoảng
cách có thể làm giảm đáng kể tốc độ truyền dữ liệu.
Masayoshi
Son thậm chí còn phát minh ra modem băng thông rộng và thu được nhiều
bằng phát minh độc quyền từ thiết bị này. Chỉ cần cắm modem vào máy
điện thoại và máy tính là người sử dụng có thể có chất lượng cuộc gọi
điện thoại Internet cực rõ và lướt Web với tốc độ 3 megabits. Masayoshi
Son còn tự hào vì tốc độ đường truyền tối đa của mạng lưới mà Softbank
xây dựng giờ đã đạt tới 10 gigabits/giây và chẳng mấy chốc sẽ vượt qua
mạng cáp quang của NTT.
Để tăng doanh doanh số, Masayoshi Son
đang đưa ra rất nhiều dịch vụ mới hấp dẫn, không chỉ giới hạn ở
Internet băng thông rộng. Chẳng hạn mua một đầu giải mã 200 USD là
khách hàng có thể tiếp cận với hàng trăm kênh truyền hình chất lượng
cao tương đương với DVD. Từ đầu năm 2004, Yahoo BB là mạng đầu tiên ở
Nhật cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu với các bộ phim hay của
Holywood sẵn sàng đến từng nhà thuê bao qua modem và kết nối băng thông
rộng. Tham vọng của Son là tạo ra cả một thế giới truyền thông giải trí
hoàn toàn mới.
Thiếu một chút may mắn
Sự lên ngôi và
sụp đổ của nền kinh tế dot-com đã đem lại tài sản khổng lồ cho
Masayoshi Son và cũng chính nó đã lấy đi 75 tỷ USD tài sản trên sổ sách
của ông. Softbank, tập đoàn công ty cổ phần do Masayoshi Son làm chủ
với chừng 400 công ty con, đang ở trên bờ vực phá sản. Núi tài sản
khổng lồ một thời của tập đoàn này giờ đã giảm thê thảm, chỉ còn 2,4 tỷ
USD trong khi tổng nợ đã lên tới 1,6 tỷ USD. Cuối năm 2002, Softbank
thua lỗ 487 triệu USD trên doanh thu 1,6 tỷ USD. Song cũng còn may mắn
là sự thành công của dịch vụ Yahoo BB đã phần nào làm hình ảnh của
Softbank được đánh bóng trở lại.
Nhìn lại chặng đường đã qua,
có thể thấy rằng Masayoshi Son đã từng nhiều lần đổi mới hoạt động kinh
doanh của mình. Nhưng cùng với những thay đổi ấy, Softbank trở nên ngày
càng không hiểu rõ trọng tâm kinh doanh của mình. Khởi sự kinh doanh
bằng việc bán phần mềm, Masayoshi Son chuyển sang kinh doanh các tạp
chí máy tính, kế đến trở thành một nhà đầu tư Internet và mua một số
lượng lớn cổ phiếu của các hãng công nghệ cao và dotcom như Yahoo,
E-trade, Geocities và Buy.com. Thậm chí đã có thời Masayoshi Son tuyên
bố sở hữu tới 10% mạng máy tính toàn cầu...
Mặc dù vậy,
Masayoshi Son vẫn tin tưởng vào một tương lai của nền kinh tế mới với
các dịch vụ truyền thông giải trí cao cấp. Nhiều người vẫn tỏ ra hoài
nghi: liệu Masayoshi Son và Softbank có đón đầu được nền kinh tế mới
hay không hay sẽ kiệt sức trước khi đến đích? Có lẽ vẫn còn quá sớm để
đưa ra câu trả lời.
Thành công đi từ thất bại
Có
thể nói, thất bại là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng từ
trong thất bại nhìn ra những nhân tố thành công mới để tăng được lòng
tin, động viên được khí thế và lấy đó làm điểm tựa đi đến thành công
mới là điều mà mỗi nhà doanh nghiệp nên hướng tới để chuyển bại thành
thắng. Bất cứ ông chủ nào, bất cứ công ty nào cũng nỗ lực hết mình để
có được thành công và tránh xa những thất bại, nhưng rất hiếm khi bạn
nghe nói đến những công ty chỉ thành công mà không thất bại, và những
công ty thành công thường là những công ty biết tìm ra nguyên nhân thất
bại để rồi từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.
Biết đối mặt với thất bại
Thương
trường luôn khắc nghiệt, nhà doanh nghiệp cho dù có năng lực và tài
năng kinh doanh đến đâu vẫn có thể có lần thất bại. Do vậy, các nhà
doanh nghiệp cần phải căn cứ vào tình thế lợi hay hại có thể xảy ra và
có sự chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch để thấy tiến khi thời cơ đến, thấy
lùi khi cần thiết để tránh cạnh tranh không hiệu quả mà tốn công vô
ích.
Trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp đứng trước một sai lầm
hay nguy cơ nào đó cần có tinh thần khảng khái, nhìn thấy những mặt có
lợi của thất bại, cố sức biến bị động thành chủ động để vươn tới những
thành công mới. Trên thương trường, không phải thất bại nào cũng dẫn
tới được thành công, nhưng từ những sai lầm vẫn có thể chuyện bại thành
thắng.
Những nhà doanh nghiệp tinh khôn khi thất bại thường tỉnh ngộ ra và
tự thấy mình sai ở đâu để từ đó đi đến những thắng lợi mới. . Đứng
trước thất bại người sáng suốt biết tự phân tích, suy nghĩ lại và cuối
cùng tìm ra nguyên nhân để tìm ra cơ hội mới.
Ví dụ:Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty Mỹ lúc đầu lập nghiệp
đã lần lượt nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm dùng cho xe hơi. Về
chất lượng mà nói, sản phẩm của ông lúc ấy không ai có thể phê bình vào
đâu được nhưng sản phẩm vẫn không có người mua. Đứng trước thất bại
này, vị chủ tịch đã tự phân tích, suy nghĩ lại và cuối cùng tìm ra
nguyên nhân: Một là sản phẩm đã có người phát minh và, hai là, giá cả
không hấp dẫn lắm. Sau đó, từ chỗ giao nhau giữa thị trường và kỹ
thuật, ông đã phát minh ra sản phẩm mới là máy ảnh chụp ảnh lấy ngay
sau một phút nổi tiếng trên toàn thế giới khiến công ty của ông nhanh
chóng chiếm lĩnh thị trường và đi đến thành công.
Đứng trước những thất bại trong kinh doanh, không ít người chỉ
biết vin vào 2 cái cớ là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái và do
công ty mình thiếu nguồn vốn. Thực tế đôi khi không hẳn là như vậy, mà
phía sau mỗi thất bại kinh doanh đều ẩn chứa một nguyên nhân chủ quan
nào đó. Có nhiều trường hợp những sai lầm đáng tiếc xảy ra đã dẫn đến
những hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp. Dù
bạn có tin hay không, thì điều đó cũng là những kinh nghiệm đáng để học
hỏi. Biết đâu chừng một lúc nào đó bạn sẽ gặp phải trường hợp tương tự,
bạn sẽ không quá bỡ ngỡ hay giẫm lên “vết xe đổ” của những người đi
trước.
Tìm cơ hội mới từ thất bại
Một doanh nhân
người Mỹ trước khi nộp đơn phá sản cho công ty mình đã nói:“Chấp nhận
thất bại thì dễ thôi, nhưng hiểu chính xác tại sao mình thất bại mới là
khó”. Lời tâm sự của chủ doanh nghiệp lúc công ty buộc phải đóng cửa
này xem ra không phải không có lý. Rất nhiều công ty đã phải hứng chịu
thất bại chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt để rồi sau đó phải hối hận
thốt lên câu:“Giá như…” Bất cứ thất bại nào dù nhỏ nhất cũng đều có
những nguyên nhân sâu xa của nó.
Lập kế hoạch không phù hợp:Không ai ngạc nhiên vì đây là một trong
những nguyên nhân khá phổ biến, bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn kinh
doanh hay hoạt động lưu chuyển tiền mặt yếu kém. Sẽ rất quan trọng nếu
bạn vạch ra một kế hoạch kinh doanh càng toàn diện và chi tiết bao
nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Việc này có thể mất nhiều thời gian và khi
một kế hoạch được chuẩn bị xong thì có thể cần thêm thời gian nhiều
tuần hoặc nhiều tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó
không bị bỏ phí, mà chính là thời gian để có được những thành công chắc
chắn hơn. Ngược lại, nếu bạn không có kế hoạch mà vẫn tiến lên phía
trước theo kiểu “nhắm mắt làm bừa”, thì có nhiều khả năng bạn sẽ phải
kết thúc kế hoạch đó bằng cơn đau tim và hàng chục nghìn USD tan thành
mây khói.
Thiếu năng lực và kinh nghiệm quản trị:Nhiều hoạt động kinh doanh
được bắt đầu từ một người có rất ít kinh nghiệm về quản trị hoặc chưa
qua đào tạo về quản trị, bởi vì tiền thân của hầu hết các nhà kinh
doanh là những người tự lập. Một số người nghĩ rằng lĩnh vực quản trị
chỉ là ý thức chung (common sense). Nhưng nếu các nhà quản trị không
biết đưa ra những quyết định kinh doanh thích hợp, thì họ sẽ không thể
đạt được thành công trong tương lai.
Rủi ro kinh doanh, thâm hụt tài chính:Quản lý tài chính là công việc
nhận định các rủi ro và chế ngự rủi ro đó. Những sai sót sẽ xảy ra khi
những rủi ro trên không được phòng ngừa đầy đủ. Thông thường, sai sót
bắt nguồn từ một điểm yếu kém nào đó trong kinh doanh và khi không ai
chú ý đến hoặc không ai nói ra, nó sẽ nhanh chóng biến thành một vụ bê
bối tài chính, chẳng hạn như một vị CFO không kịp báo trước cho các nhà
đầu tư lúc tình hình xấu diễn ra, để rồi hậu quả là CEO của ông ta
không thể đạt được mục tiêu của mình.
"ST"