Hồi nhỏ, khác với những đứa trẻ khác, tôi không có ước mơ thực sự. Nếu có ai đó hỏi tôi “Ước mơ của cháu/em là gì?”, tôi sẽ khẽ lắc đầu và bảo “Không rõ nữa”. Có chăng chỉ là “Muốn học thật giỏi, thi đỗ vào trường đại học mình thích, ra trường có công ăn việc làm ổn định, lương cao, có một bạn trai tốt rồi trở thành một người chồng tốt, những đứa trẻ sinh đôi hoặc sinh ba kháu khỉnh”. Như vậy có được gọi là ước mơ không nhỉ? Có chứ nhưng ước mơ này chung chung quá và tôi cá là ai cũng mong muốn điều này. Vậy nên nó được xếp vào dạng ước mơ “tầm thường”, không giúp tôi định hướng nhiều trên con đường mình sẽ đi trong tương lai.


Trong giấc mơ của những đứa trẻ, chúng muốn được trở thành bác sĩ, giáo viên, ca sĩ, họa sĩ, phi công, kĩ sư, kiến trúc sư, doanh nhân,… Có hàng tỷ thứ trong đầu một đứa trẻ dù chúng chưa thực sự hiểu hết được công việc đó đòi hỏi những gì nhưng chúng biết cách để tiến lại gần hơn với những ước mơ thực sự của mình. Tôi nhấn mạnh chữ thực sự bởi không phải ai cũng có điều này. Nay bạn có thể ước mơ cái này, mai bạn có thể mong ước cái khác. Theo tôi, đó không phải là đam mê của bạn. Ước mơ thực sự chính là đam mê, là cái bạn muốn theo đuổi khi lớn lên và hy sinh công sức, tâm huyết của mình cho nó.

Lũ trẻ nhà tôi, thi thoảng tôi vẫn hỏi chúng lớn lên muốn làm gì, trở thành người như thế nào. Thế nhưng đáng buồn là từ đứa bé 3, 4 tuổi cho tới đứa học lớp 10, đứa nào cũng cười trừ bảo “em không biết”. Ôi! Những đứa trẻ làm sao thế??? Và rồi tôi chợt nhận ra, ước mơ cũng cần phải nhồi nhét. Bạn đừng bao giờ hy vọng một đứa trẻ tự nhận thức được mọi điều khi mình không dạy chúng. Và tôi cũng vậy, chẳng ai chỉ cho tôi cách vẽ nên ước mơ, khơi dậy trong đầu niềm đam mê thực sự với một cái gì đó…


Cách đây vài tuần, trong giờ học Speaking, có một câu hỏi liên quan tới ước mơ. Thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi gọi một vài bạn, chẳng rõ do ngại hay gì mà ai trong số ấy cũng nói một cách hết sức miễn cưỡng, dường như đang cố nghĩ xem ước mơ của mình là gì. Thầy cười khấy và bĩu môi “Đúng là trẻ con Việt Nam. Ước mơ tầm thường và thậm chí có đứa còn chẳng có ước mơ. Ở nước ngoài, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con đã được nhồi nhét trong đầu và ước mơ của chúng là lớn lên muốn trở thành TỔNG THỐNG, phi công, doanh nhân, tý phú,… còn trẻ con Việt Nam thì muốn trở thành công nhân xuất sắc, nông dân giỏi, anh lái máy cày như trong cái bài Lớn lên cháu lái máy cày,...”. Thầy vẫn đáng yêu như vậy đó. Tôi không nói những cái đó sai nhưng có nhiều thứ nên thay đổi khi cuộc sống đã có quá nhiều biến động khác xưa.

Tôi có một cô bạn học cùng cấp 3. Tốt nghiệp xong, đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời mình – đại học, nó lúng túng chẳng biết thi vào đâu. Phần vì sức học bình thường, phần vì chẳng có ước mơ hay định hướng gì cho tương lai nên cuối cùng quyết định thi vào khoa tiếng Bồ Đào Nha của đại học Hà Nội. Tôi đoán vì điểm khoa đó tương đối thấp nên ăn chắc. Tuy nhiên, với một ngôn ngữ mới và hiếm như thế, để học nó không phải một điều dễ dàng. Cần phải có đam mê và nhiệt huyết, cái đó thì nó không đủ. Và sau chưa thầy 1 năm học thì nó quyết định nghỉ để rẽ sang một hướng khác – mỹ thuật với suy nghĩ non nớt rằng mình có khả năng vẽ một chút và ngành nó sẽ có tương lai hơn tiếng Bồ kia. Nó thành công. Tuyệt. Nhưng cuộc sống mà, đâu có cái gì là dễ dàng đâu. Có năng khiếu vẽ khác rất nhiều với biết vẽ. Biết vẽ thì cần phải học mà khoảng thời gian dành để ôn thi của nó thì quá ngắn. Tụt hạng, thi lại, có khi là học lại không phải chuyện hiếm gặp. Vậy đó, chung quy lại tôi chỉ muốn nói rằng, nếu vẽ vời là ước mơ của nó từ bé, là đam mê mà nó muốn theo đuổi thì có lẽ ngay từ khi còn bé cấp 2 hoặc cấp 3 nó đã đầu tư cái này nhiều hơn, học hành chăm chỉ hơn thì giờ có lẽ cũng đỡ vất vả hơn…

Trong Vlog mới của He Always Smiles với tựa đề “Đồ chơi, bút chì & bầu trời” có đề cập tới đam mê. 1 Vlog ý nghĩa và thiết thực. Tôi đoán rằng có nhiều người bắt gặp mình trong đó, giữa cuộc sống bộn bề bạn tự hỏi mình có ước mơ hay đam mê không? Và nó là gì? Bạn mải mê kiếm tìm hay an phận chấp nhận theo sự sắp đặt. Khi có đam mê rồi, bạn có dũng cảm và đủ nhiệt huyết để theo đuổi không hay chỉ là những suy nghĩ viển vông trong đầu? Có cả một đống thứ bạn mong muốn nhưng để biến nó thành hiện thực thì bạn luôn suy nghĩ theo chiều tiêu cực: nó có khả thi không? Liệu mình có làm được không? Phải làm thế nào khi mình không có điều kiện? Nếu thất bại thì sao?... Thôi cứ an phận theo tương lai mình đã chọn và than thân trách phận khi nó không đáp ứng được nhu cầu của mình, nhàm chán, vô vị và một màu đen bao phủ trên đầu… Và bạn đổ lỗi cho hoàn cảnh.


Khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, tôi cũng giống như những đứa bạn mình, chẳng có một chút định hướng nào, vậy nên ngành học tôi đang theo đuổi bây giờ cũng phần nào ảnh hưởng từ việc mọi người đưa ra lời khuyên. Chán nản và nhiều lúc muốn bỏ cuộc là tâm trạng tôi thường gặp trong giai đoạn đầu, nhưng bây giờ có vẻ mọi chuyện đã khác, tôi bắt đầu yêu thích sự lựa chọn của mình và cho rằng nó là ngành hợp nhất với tính cách của mình cho tới thời điểm này. Một phép thử rất đơn giản, trước đây tôi nghĩ mình thích kinh doanh, thích làm những việc liên quan tới nó, tôi thử sức với việc kinh doanh rồi tiếp tới là tôi làm việc trong một cơ quan có liên quan tới lĩnh vực đó và tôi nhận ra mình không phù hợp với nó như mình tưởng. Vậy đó, có những điều bạn cứ nghĩ rằng nó rất màu hồng nhưng khi thực tế va chạm nó sẽ không còn tuyệt vời như bạn tưởng nữa. Nếu bạn còn băn khoăn với sự lựa chọn của mình, tại sao lại không thử nhỉ?

Tôi rất tâm đắc với một câu nói của Christine Hà mà He Always Smiles nhắc tới trong đoạn cuối vlog: “Có thể bạn không nhìn thấy con đường mình đi nhưng điều quan trọng là trái tim bạn biết rõ nơi mình đến”.